Chùa Vĩnh Nghiêm mang nét đẹp yên bình, thanh tịnh giữa lòng thành phố Sài Gòn nhộp nhịp. Nơi đây từ lâu đã là một điểm đến linh thiêng mà người dân địa phương cũng như khách du lịch thường xuyên ghé thăm, đặc biệt là vào các ngày lễ Phật giáo, Tết Nguyên Đán. Hãy cùng tìm hiểu kỹ hơn về ngôi chùa mang tính biểu tượng của Sài Gòn nhé!
Thông tin tổng quan về chùa Vĩnh Nghiêm
Chùa Vĩnh Nghiêm là một trong những ngôi chùa mang lối thiết kế độc đáo, có sự giao thoa hài hòa giữa cổ điển và hiện đại. Giữa lòng thành phố nhộn nhịp, sôi động như thành phố Hồ Chí Minh, chùa vẫn nổi bật và giữ nguyên vẹn những nét thanh tịnh, bình yên vốn có.
Địa chỉ của chùa ở đâu?
Chùa Vĩnh Nghiêm hiện được tọa lạc tại địa chỉ số 339 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường 7, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh. Ngôi chùa chỉ nằm cách khu vực trung tâm thành phố khoảng 3 km và cách chợ Bến Thành 3,5 km.
Gửi xe ở đâu để vào thăm chùa?
- Xe máy sẽ gửi xe ngay tại chùa: số 339 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường 7, Quận 3.
- Xe ô tô gửi xe ở: số 391A Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường 14, Quận 3.
Ngoài ra, chùa Vĩnh Nghiêm cũng nằm gần các trạm xe buýt. Các bạn có thể lựa chọn phương án này để vừa tiết kiệm chi phí, thời gian, vừa tiện lợi và đảm bảo an toàn hơn. Các tuyến xe buýt số 04, số 152 sẽ đưa các bạn đến ghé thăm chùa.
Khung giờ đón khách của chùa Vĩnh Nghiêm
Chùa Vĩnh Nghiêm mở cửa đón khách viếng thăm và lễ Phật từ 7 giờ sáng đến 9 giờ tối hàng ngày. Tuy nhiên, vào những vào lễ lớn như Tết Nguyên Đán, các ngày rằm, Mùng 1,… tùy vào số lượng du khách tề tựu về chùa mà thời gian tiếp đón có thể sẽ thay đổi đôi chút.
Trước khi đến thăm và tham quan chùa, các bạn nên tham khảo giờ hoạt động của chùa trước để tiện sắp xếp lịch trình cho phù hợp, đảm bảo chuyến đi hơn.
Quá trình lịch sử ra đời của chùa Vĩnh Nghiêm
Trong một chuyến đi hành hương truyền giáo từ miền Bắc vào miền Nam, hai vị hòa thượng là Thích Tâm Giác và Thích Thanh Kiểm đã cho xây dựng chùa Vĩnh Nghiêm tại thành phố trung tâm Sài Gòn để làm chốn thiền môn cho các Phật tử ở miền Nam tề tựu, lễ Phật.
Chùa Vĩnh Nghiêm Sài Gòn được xây dựng giống theo nguyên mẫu thiết kế của chùa Vĩnh Nghiêm Bắc Giang (Chùa Đức La), vốn là trung tâm Phật giáo của thiền phái Trúc Lâm đã được kiến lập từ đời vua Lý Thái Tổ.
Công trình xây dựng chùa được thực hiện bởi kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng và có sự cộng sự thiết kế, vẽ kiểu của ông Lê Tấn Chuyên, Cổ Văn Hậu. Ngoài chùa Vĩnh Nghiêm, Nguyễn Bá Lăng là còn kiến trúc sư gắn liền với hàng loạt các công trình văn hóa, tâm linh ấn tượng, mang dấu ấn đặc sắc ở Việt Nam như: chùa Một Cột, Trấn Ba Đình, Đền Ngọc Sơn, Đền Lý Quốc Sư, Cầu Thê Húc,…
Năm 1964, chùa được khởi công. Quá trình thi công, người ta phải chuyển đến khoảng 40.000m3 đất từ xa lộ Biên Hoà về để san lấp mặt bằng khu đất thấp nằm bên rạch Thị Nghè để xây Chùa Vĩnh Nghiêm. Tổng kinh phí xây dựng của chùa khoảng 98 triệu đồng vào thời điểm đó với phần khuôn viên được cho là chính quyền cấp.
Năm 1971, chùa Vĩnh Nghiêm đã cơ bản hoàn thành các hạng mục, bao gồm tòa nhà trung tâm (tầng trên có ngôi Phật điện), Bảo tháp Quán Thế Âm, các cơ sở cho hoạt động xã hội, và chính thức đi vào hoạt động. Tiếp sau đó, chùa lần lượt xây thêm nhiều công trình khác như: Bảo tháp Xá Lợi Cộng đồng, Tháp đá Vĩnh Nghiêm, Phương trượng đường, khách đường,…
Đặc biệt, chùa Vĩnh Nghiêm còn đón nhận quả Đại hồng chung có tên là “Chuông Hòa Bình” do Chùa Entsū-in (Viên Thông viện), thuộc Giáo hội Phật giáo Nhật Bản cung tiến trước năm 1975, để cầu chúc cho Việt Nam sớm kết được hòa bình.
Kiến trúc chùa Vĩnh Nghiêm
Chùa Vĩnh Nghiêm được tọa lạc trên một khuôn viên rộng rãi, thoáng đãng, với diện tích khoảng 6.000m2. Chùa được thiết kế theo lối kiến trúc cổ điển ở miền Bắc Việt Nam nhưng kết hợp với kỹ thuật và vật liệu xây dựng của thời hiện đại.
Sự dung hòa được thể hiện qua thiết kế và cảnh quan đã đưa chùa Vĩnh Nghiêm Sài Gòn trở thành một trong số những công trình tiêu biểu cho kiến trúc Phật giáo Việt Nam thế kỷ XX.
Kiến trúc tổng thể của Chùa Vĩnh Nghiêm Sài Gòn gồm các hạng mục chính là: tam quan, tòa nhà trung tâm và các bảo tháp.
Cổng tam quan
Cổng Tam quan được xây dựng với quy mô lớn, là công trình khá bề thế và đồ sộ. Thiết kế theo kiểu truyền thống với hình mái ngói đỏ uốn cong như những ngôi chùa truyền thống khác. Hai bên cổng chùa nổi bật là hai câu đối được chạm trổ tinh xảo, phía trên được khắc dòng chữ “Chùa Vĩnh Nghiêm” màu vàng đầy trang nghiêm. Từ cổng Tam quan nhìn vào, bạn đã có thể thấy được khoảng sân rộng lớn và tòa Bảo tháp bên phía trái.
Năm 2005, thành phố thực hiện dự án mở rộng con đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa nên cổng Tam quan của chùa đã di dời hơn vào bên trong, đến vị trí như hiện nay.
Tòa nhà trung tâm
Bước vào cổng chùa, đặt chân vào khoảng sân khuôn viên rộng, bạn sẽ thấy ngay tòa nhà trung tâm. Đây là một công trình kiên cố, vô cùng rộng lớn với một tầng lầu và một tầng trệt.
Trong đó, tầng trệt gồm hai phần là: phần ngoài nằm bên dưới sân thượng cao 3,2 mét và phần trong nằm dưới Phật điện cao 4,2 mét. Ở khu vực tầng trệt, chùa đã sắp xếp rất nhiều khu vực để sư thầy và những phật tử đến thăm có thể thoải mái tham quan cũng như phục vụ các hoạt động xã hội như làm giảng đường, văn phòng, thư viện (là một trong 3 thư viện của Thành hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh), phòng học và lớp học (chùa là cơ sở của trường cơ bản Phật học),… Ở đây còn có thêm nhà thờ Tổ (bàn thờ Bồ Đề Đạt Ma) để thắp hương, tụng kinh,…
Từ dưới sân chùa, bạn phải đi ba cầu thang rộng gồm 23 bậc để có thể di chuyển lên tầng lầu bao gồm: sân thượng, Phật điện và Tháp Quán Thế Âm.
- Sân thượng rộng khoảng 10 mét. Bên phía tay phải có một gác chuông, chính là nơi treo Đại hồng chung (có đường kính 1,8 mét, được đúc vào năm 1971) do các Phật tử dòng Tào Động ở Nhật Bản đã tặng chùa trước năm 1975, nhằm cầu nguyện cho Việt Nam sớm được hòa bình.
- Phật điện có kiến trúc theo kiểu chữ “công” (chữ Hán là 工) với các góc mái đều uốn cong quen thuộc theo kiểu chùa miền Bắc. Chính giữa nóc Phật điện là bánh xe pháp luân và các góc có hình linh thú. Phật điện lại chia ra ba không gian: Bái Điện, Bản Điện và Địa Tạng Đường, là những nơi thờ bàn thờ Phật và các vị Bồ Tát. Ngoài ra, tranh của các vị La Hán, tượng Kim Cang cũng được bày trí ở đây.
Bái điện có chiều dài 35 mét, chiều rộng 22 mét và chiều cao 15 mét. Các cột, rui mè và mái ngói đều được đúc kỳ công bằng bê tông cốt sắt. Không gian giữa điện là bàn thờ Phật Thích Ca, hai bên có Bồ Tát Văn Thù (bên trái) và Bồ Tát Phổ Hiền (bên phải). Những công trình chạm khắc gỗ được thiết kế tinh tế, đẹp mắt: có bao lam tứ linh, bao lam cửu long và đặc biệt là có các phù điêu trên các hương án chạm các ngôi chùa nổi tiếng ở trong nước và một số nước khác ở châu Á. Ở hai bên lối vào, mỗi bên cũng có một pho tượng Kim Cang khá lớn.
Bản Điện (thờ chính Phật A Di Đà được thờ chính) và Địa Tạng Đường (thờ chính Địa Tạng Bồ Tát) có kiểu kiến trúc tương tự Bái điện.
Các bảo tháp
- Tháp Quán Thế Âm là ngôi bảo tháp nằm bên trái (từ cổng nhìn vào trong) Phật điện, gồm 7 tầng có chiều cao gần 40 mét, được xây cùng lúc với chùa và đã trở thành biểu tượng của chùa Vĩnh Nghiêm.
Tháp hình vuông, đỉnh tháp có 9 bánh xe vòng tròn và những hình khối tròn tượng trưng cho Long xa và Quy châu. Với kiến trúc cầu kỳ, ấn tượng đó, Tháp Quán Thế Âm được đánh giá là ngôi tháp đồ sộ thuộc hàng bậc nhất trong hệ thống các bảo tháp của Phật giáo Việt Nam.
- Tháp Xá Lợi Cộng đồng có 4 tầng, cao 25 mét, được bắt đầu xây dựng năm 1982 và hoàn thành năm 1984. Tháp nằm ở phía sau, bên trái (từ ngoài cổng nhìn vào trong) Phật điện. Thiết kế của tháp cũng là một kiểu khá độc đáo với các cầu thang từ sân dẫn lên trên. Đây là nơi lưu giữ di cốt của chư Phật tử để thân nhân đến viếng.
Tuy không quá hoành tráng, đồ xộ nhưng tháp Xá Lợi Cộng đồng thường được người dân ghé để viếng thăm, tưởng nhớ người đã khuất.
- Tháp đá Vĩnh Nghiêm từ cổng tam quan nhìn vào đã thấy ngay tháp ở bên phải. Công trình được khánh thành vào tháng 12 năm 2003, được làm hoàn toàn bằng đá và là tháp thờ cố Đại lão Hoà thượng Thích Thanh Kiểm, một trong hai vị cao tăng đã sáng lập chùa. Đây đã trở thành ngôi tháp đá đầu tiên ở miền Nam, và cũng chính là công trình tháp đá lớn nhất, cao nhất Việt Nam từ trước đến nay với độ cao lên đến 14 mét.
Ngoài ra, trong khuôn viên chùa Vĩnh Nghiêm còn có khu Phương trượng đường nằm ở phía bên trong cùng, gồm dãy nhà hình chữ L, ôm bọc một hồ sen là nơi nghỉ ngơi cho khách thập phương cũng như các vị sư thầy.
Các hoạt động cộng đồng ở chùa Vĩnh Nghiêm
Chùa Vĩnh Nghiêm hàng năm luôn thường xuyên tổ chức những hoạt động thiện nguyện cho cộng đồng. Đây cũng là một trong những điều khiến chùa được nhiều người biết đến và yêu mến, kính trọng. Các bạn có thể tham khảo một số các hoạt động sau để sắp xếp tham gia tình nguyện, ủng hộ hoạt động như sau:
- Nấu cơm từ thiện: vào các ngày chay hàng tháng, chùa Vĩnh Nghiêm sẽ nấu 500 suất cơm cho các những người vô gia cư, các gia đình có hoàn cảnh khó khăn,…
- Siêu thị 0 đồng: chùa thường tổ chức siêu thị 0 đồng với các phần quà bao gồm 10kg gạo, 1 thùng mì ăn liền, 1 chai dầu ăn, 1 chai nước tương.
Những điều cần lưu ý khi viếng chùa Vĩnh Nghiêm
- Khi viếng thăm lễ chùa, bạn nên hạn chế việc đốt giấy tờ vàng mã để giữ không khí thoáng đãng.
- Du khách đến dâng hương cần lưu ý là phải sắm lễ chay, không nên mua lễ mặn sẽ không thích hợp.
- Việc lựa chọn trang phục đến nơi linh thiêng như chùa cũng cần chú ý, nên mặc quần áo lịch sự, nhã nhặn, thoải mái, thật kín đáo để viếng thăm.
- Nếu có chụp ảnh ở chùa thì du khách nên tạo dáng hợp lý, đơn giản.
- Cần tránh cười đùa quá to ảnh hưởng đến không gian chùa.
- Một lưu ý nữa khi đi chùa Vĩnh Nghiêm là lúc qua cổng Tam quan vào chùa nên đi vào cửa Giả quan (tức cửa bên phải) và đi ra bằng cửa Không quan (cửa bên trái). Nên kiêng đi vào cửa Trung quan vì cửa này chỉ dành cho Thiên tử, bậc cao tăng.
Bài viết trên đã chia sẻ với các bạn các thông tin thú vị, độc đáo về ngôi chùa mang tính biểu tượng cho Phật giáo ở Sài Gòn. Nếu bạn muốn tìm đến một địa điểm thanh tịnh để tham quan, ngắm cảnh và tịnh tâm, dâng hương hành lễ, cầu bình an thì hãy đến chùa Vĩnh Nghiêm nhé!