Là một trong những ngôi chùa đầu tiên tổ chức khóa tu mùa hè cho giới trẻ, chùa Hoằng Pháp tại Hóc Môn Sài Gòn thu hút hàng nghìn học sinh và sinh viên đến thiền tu mỗi khóa. Bài viết dưới đây cung cấp thông tin chi tiết về chùa Hoằng Pháp: địa chỉ, lịch sử, kiến trúc,… lẫn kinh nghiệm đi chùa Hoằng Pháp từ A-Z, hy vọng sẽ hữu ích cho du khách trong chuyến đi vào mùa hè này.
Đôi nét về chùa Hoằng Pháp
Cùng điểm qua một vài thông tin cơ bản về ngôi chùa này!
Địa chỉ chùa Hoằng Pháp ở đâu?
Chùa Hoằng Pháp là ngôi chùa rất nổi tiếng tại thành phố Hồ Chí Minh đã tồn tại được hơn nửa thế kỷ. Ngôi chùa này thu hút nhiều tín đồ nhà Phật đến tham gia các khóa tu Phật thất. Chùa tọa lạc trên một khu đất có diện tích rộng 6 ha, số 196, đường Lê Lợi, Tân Hiệp, Q. Hóc Môn, thành phố Hồ Chí Minh.
Trụ trì chùa Hoằng Pháp là ai?
Thầy Thích Chân Tính thế danh là Nguyễn Sỹ Cường, sinh 1958 tại Đắk Lắk, cha là ông Nguyễn Sỹ Hiệu, mẹ ông là bà Nguyễn thị Đảng. Thầy là người con thứ 2 trong gia đình có bảy anh chị em.
- Ngày 8/12/1973, thầy được xuất gia với Đại lão Hòa thượng Ngộ Chân Tử & thọ giới Sa-di ba năm sau đó (năm 1976).
- Thọ giới xong, thầy bắt đầu việc học Phật pháp như Sư Tổ chỉ dạy tại các chùa Giác Ngộ, Già Lam, Ấn Quang ở Thành phố Hồ Chí Minh.
- Năm 1981, thầy thọ giới Tỳ-kheo tại tại giới đàn chùa Long Hoa, Hồ Chí Minh.
- Trong khoảng thời gian từ năm 1985-1990, thầy theo học chương trình cử nhân tại khoa Ngữ Văn tại Đại học Tổng Hợp thành phố. Vào năm 1988, khi Ân sư viên tịch, thầy đã chính thức lãnh trách nhiệm trụ trì cho đến nay.
Trong cương vị của một vị trụ trì, thầy đã luôn nỗ lực để làm tròn sứ mệnh của 1 người con Phật: Hoằng truyền giáo pháp & gieo hạt giống Bồ Đề đến những người hữu duyên. Trong quá trình, các ý tưởng về tổ chức khóa tu phù hợp với độ tuổi, phát hành kinh, sách, đĩa, hỗ trợ giáo dục Tăng Ni, lập quỹ học bổng cho các sinh viên nghèo,… lần lượt ra đời. Các hoạt động Phật sự dần dần thành công, đem lại nhiều kinh nghiệm cũng như ảnh hưởng không nhỏ tới sự nghiệp truyền bá chánh pháp của Phật giáo Việt Nam, và nhận được các lời tán thán, khích lệ của các bậc Hòa thượng tôn túc trong việc duy trì, phát triển Phật giáo.
Hằng năm, ngoài các Phật sự tại tại bổn tự, thầy còn có những chuyến hoằng pháp trong lẫn ngoài nước để chia sẻ Phật pháp, hướng dẫn các phương pháp tu học, giúp mọi người cùng hướng đến một đời sống an lạc, hạnh phúc.
Ngoài ra, thầy còn biên soạn và biên dịch hơn hai mươi đầu sách về những trải nghiệm tu học được phát hành dưới hình thức thơ, truyện ngắn, góp nhặt. Hai trong số đó đã được biên tập cả 02 ngôn ngữ Việt – Anh.
Tác phẩm tiêu biểu: Tôn Giáo Học So Sánh, Những Điểm Đặc Sắc Của Phật Giáo, Lược Truyện Đức Phật Thích Ca, Vua Pasenadi, Lời Hoa, Bùn, Tu Nhà, Phật Pháp Cứu Đời Tôi, Sữa Pháp Ban Mai, Chuyện Bình Thường, Bằng Tất Cả Tấm Lòng,…
Lịch sử phát triển của chùa Hoằng Pháp
Chùa Hoằng Pháp là ngôi chùa thuộc hệ hệ phái Bắc tông, sáng lập năm 1957 trên một cánh rừng chồi bởi cố Hòa Thượng Ngộ Chân Tử. Đến năm 1959 ông bắt đầu xây dựng chùa bằng gạch đinh, 2 tầng mái ngói, mặt chùa xoay hướng Tây Bắc.
Vào năm 1965, các cuộc chiến tranh đã tàn phá nặng nề Đồng Xoài, Thuận Lợi khiến nhiều người dân mất nhà mất cửa. Trụ trì Ngộ Chân Tử đã đón nhận 60 gia đình với tổng cộng 261 nhân khẩu về chùa nuôi dưỡng trong 08 tháng và mua đất xây 55 căn nhà cho tái định cư.
Vào năm 1968 trụ trì thành lập viện Dục Anh, và tiếp nhận 365 em nhỏ từ độ tuổi 6 – 10 về nuôi dạy. Bằng những việc làm từ thiện của chính mình, trụ trì nơi đây đã giúp ngôi chùa ngày càng đông phật tử ở nhiều nơi tụ hội về .
Để đủ chỗ lễ bái, giảng đạo trụ trì Ngộ Chân Tử xây nối thêm mặt tiền chánh điện dài 28 mét, xây tường bằng gạch block và lợp mái tole cement vào 1971.
Năm 1974, hòa thượng trụ trì có dự định mở làng cô nhi với mong muốn tiếp nhận và nuôi dạy thêm hàng nghìn trẻ nhỏ bất hạnh, đồng thời thành lập đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương nên ông đã mua thêm tổng cộng 45 mẫu đất tại Phú Đức, Tân Tạo, Bình Chánh. Tuy nhiên, khi đang tiến hành mua thì xảy ra sự kiện 30/04/1975 nên người đã hiến lại số đất cho Ban quản trị khu Kinh tế mới Lê Minh Xuân. Sau 30/04/1975 số trẻ em cơ nhỡ đã được thân nhân nhận về nên viện Dục Anh giải tán. Trụ trì tiếp tục nhận nuôi các cụ già neo đơn có gia cảnh khó khăn.
Năm 1988 trụ trì Ngộ Chân viên tịch, đệ tử của của ông là nhà sư Thích Chân Tính lên thay và thành lập Ban Hộ tự tại địa phương & 10 chúng ở mọi nơi với hơn 1000 phật tử. Ngày 23/03/1995 chùa Hoằng Pháp tiến hành xây lại khu chánh điện.
Vào tháng 3 năm 1999, chùa Hoằng Pháp lần đầu tổ chức khóa tu Phật thất dài 7 ngày đêm với số lượng phật tử tham dự là 70 người. Cho đến nay chùa đã tổ chức rất nhiều khóa tu tương tự, mỗi khóa trên dưới 3.000 người, có khóa lên tới 7.000 người tạo nên “thương hiệu” của ngôi chùa.
Năm 2005, chùa tiếp tục tổ chức khóa tu mùa hè cho các học sinh, sinh viên. Năm thứ nhất thu hút hơn 300 người tham gia, năm tiếp theo thu hút hơn 1600 người tham gia và cho đến nay mỗi năm chùa đón nhận khoảng 6000 em học sinh, sinh viên tham dự khóa tu mùa hè. Cho đến hiện tại, chùa Hoằng Pháp được là trung tâm tu học Phật pháp, trung tâm văn hóa Phật giáo lớn bậc nhất nước ta.
Khám phá chi tiết chùa Hoằng Pháp
Cùng khám phá chi tiết kiến trúc chùa Hoằng Pháp cũng như xem ngôi chùa này có điều gì đặc biệt nhé!
Kiến trúc truyền thống của chùa Hoằng Pháp
Cổng chùa Hoằng Pháp
Khi tìm hiểu về chùa Hoằng Pháp nằm ở đâu, bạn sẽ thấy ngay ở ngoài chùa Hoằng Pháp chính là cổng Tam Quan. Cổng chính đề to chữ “Chùa Hoằng Pháp”. Hai cổng phụ gồm cổng phụ bên phải là chữ “Trí Tuệ” còn cổng phụ bên trái là chữ “Từ Bi”. Dọc theo cổng Tam Quan là những câu đối viết bằng tiếng Việt.
Kiến trúc của cổng chùa là sự hài hòa giữa vẻ đẹp truyền thống và hiện đại vô cùng độc đáo. Những đường cong được cách điệu có phần góc cạnh hơn các cổng chùa truyền thống. Phía trên mái cổng chùa Hoằng Pháp có 2 tầng được lợp bằng ngói đỏ. Mỗi đầu đao được uốn cong vô cùng mềm mại.
Khuôn viên chùa Hoằng Pháp
Đi qua cổng chùa là sẽ tới khu vực khuôn viên chùa Hoằng Pháp. Các chậu cây xanh trang trí dọc hai bên khuôn viên tạo ra không gian mát mẻ xanh tươi cho ngôi chùa. Đứng dưới bóng cây râm mát, du khách đến đây sẽ cảm nhận được sự bình yên và thanh tịnh trong tâm hồn.
Chánh điện của chùa Hoằng Pháp
Chánh điện chùa Hoằng Pháp có chiều dài là 42m, chiều ngang là 18m. Tổng diện tích chùa khoảng 756m2 và được xây theo lối kiến trúc chữ “công”. Tòa chánh điện có mái ngói sơn màu đỏ tươi vô cùng nổi bật trong bức tranh phong cảnh tràn ngập sắc xanh của cây cối và màu trời.
Chùa Hoằng Pháp có kiến trúc 02 tầng và 08 mái với hệ thống cột mái, cột trần vô cùng kiên cố. Tường được xây bằng gạch và có dán gạch men ở ngoài, sơn nước mặt trong. Nền chùa được ốp gạch Granite nhập khẩu từ Tây Ban Nha.
Hai bên bậc tam cấp là 2 chú sư tử vàng uy mãnh. Ở chính giữa là đỉnh đồng được được chạm trổ tinh tế, tỉ mỉ. Toàn bộ cánh cửa, bao lam và án thờ trong chùa được làm hoàn toàn từ gỗ quý. Đối diện với chánh điện của chùa Hoằng Pháp là tượng Phật Thích Ca đang tọa thiền dưới gốc cây bồ đề.
Các công trình phụ khác
- Phía bên trái chánh điện: có tháp Nhị Nghiêm là công trình phụ nằm phía trái chùa Hoằng Pháp. Cách tháp Nhị Nghiêm 1 khoảng là tháp của các ni cô quá cố. Gần đó là phòng ăn rộng rãi và sạch sẽ. Song song nhà ăn là dãy nhà dưỡng lão. Dãy nhà này gồm có 10 phòng, mỗi phòng có 04 người ở. Phía sau cùng là nhà trù.
- Phía bên phải chánh điện: có hòn non bộ rộng hơn 20m, cao 10m nằm bên trên một hồ nước. Bức tượng Quan Thế Âm Bồ Tát cao 5m làm từ cẩm thạch nằm ngay giữa hồ. Tiếp đó là tháp Phổ Độ, đây nơi để tro cốt của thập phương bá tánh.
Chiêm ngưỡng Tháp Nhị Nghiêm
Tháp Nhị Nghiêm được xem là nét chấm phá độc đáo tại chùa Hoằng Pháp. Tháp Nhị Nghiêm nằm ở phía bên tay trái chánh điện và là nơi an nghỉ của cố hòa thượng Ngộ Chân Tử – người có công xây dựng nên ngôi chùa.
Tháp có móng hình tròn, cao 3 bậc, càng lên cao thì vòng tròn càng tu hẹp lại. Phía bên trên chính là tòa tháp hình vòm được ốp lát gạch men. Đỉnh tháp có chữ “Vạn” – một biểu tượng cho sự vĩnh hằng cùng vũ trụ và công đức vô lượng.
Gốc hoa vô ưu – nơi cầu may linh nghiệm
Chùa Hoằng Pháp có gì hay? Ngoài kiến trúc xinh đẹp ra, ngôi chùa Hoằng Pháp còn nổi tiếng với Phật tử tứ phương bởi cây hoa vô ưu vô cùng may mắn. Cây vô ưu còn được biết đến với cái tên khác như cây Đầu Lân, cây Sa La, cây Ngọc Lân. Đây là loại cây cổ thụ có hoa mọc theo chùm, hoa rủ xuống đất, cánh hoa màu đỏ vô cùng đẹp mắt được trồng ở rất nhiều đền chùa Việt Nam.
Theo truyền thuyết từ xưa, Đức Phật Thích Ca vốn được sinh ra ở dưới gốc cây vô ưu. Chính vì thế mà loài cây này còn được cho là mang lại nhiều điều may mắn. Phật tử khắp nơi thường kéo nhau về mái chùa Hoằng Pháp để cầu nguyện bên dưới cây vô ưu này nhằm mong bình an, may mắn cho gia đình.
Các khoa tu học tại chùa Hoằng Pháp
Để khuyến khích phát triển việc tu học Phật pháp, nhu cầu ăn uống, ngủ nghỉ tại chùa đều được miễn phí. Một đội ngũ tình nguyện viên đông đảo sẽ luân phiên liên tục luôn sẵn sàng để hỗ trợ cho chư Tăng trong việc thực hành & gieo duyên Phật pháp cho mọi người.
Khóa tu Phật thất
Là khóa tu dàu 7 ngày được chùa Hoằng Pháp tổ chức lần đầu tiên tại Việt Nam vào năm 1999 có 68 người tham dự. Khóa tu ngày càng được nhiều người hưởng ứng và con số này đã tăng dần lên đến hơn 3000 người vào thời điểm hiện tại. Vào năm 2006, Trung tâm sách Kỷ Lục Việt Nam đã trao tặng chùa danh hiệu: “Ngôi chùa tổ chức nhiều Khóa tu Phật thất có số lượng Phật tử tham dự đông nhất”. Đến nay, mô hình khóa tu này đã nhân rộng và phát triển khắp cả nước.
Khóa tu Mùa Hè
Là khóa tu dành cho các thanh thiếu niên được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2005 với số lượng hơn 300 khóa sinh tu học trong 7 ngày 7 đêm và có lúc con số tăng lên đến 6000 bạn trẻ. Cho đến nay, chùa chỉ duy trì trên dưới 3000 em để đảm bảo việc tu học và những sinh hoạt tối thiểu. Số lượng đăng ký vượt quá sẽ được khuyến khí đến các địa điểm chi nhánh hoặc các chùa trong cùng khu vực tiết kiệm chi phí đi lại cho các em. Một sân chơi bổ ích và lành mạnh, kết hợp giữa giải trí và định hướng nhân cách giáo dục đã thu hút rất nhiều giới trẻ năng động & ưa khám phá học hỏi trong thời hiện đại. Lối sống vội vã và buông thả trong phần lớn giới trẻ có sự thay đổi tích cực sau mỗi lần tham dự khóa tu.
Ngày tu niệm Phật
Được tổ chức mỗi tháng 1 lần vào ngày Chủ Nhật đầu tháng Âm lịch. Phần lớn ngày tu thu hút cả giới đi học lẫn đi làm vào tham dự, đôi khi con số còn lên đến cả hàng chục ngàn.
Ngày tu Sinh viên hướng về Phật pháp
Diễn ra 2 tháng một lần dành cho đối tượng học sinh, sinh viên. Ngoài việc tham gia 1 ngày tu học, các bạn trẻ còn có cơ hội học hỏi và giao lưu, lan toả sự quan tâm của mình đến người khác. Tham gia khóa tu, nhiều bạn trẻ đã thật sự học được cách vượt qua các khó khăn và chướng ngại trước ngưỡng cửa va chạm với cuộc đời. Nhiều thái độ sống tích cực & lạc quan đã được hình thành từ khóa tu này.
Khóa tu thiếu nhi Em về bên Phật
Được tổ chức tần suất mỗi tháng 1 lần vào ngày Chủ Nhật, dành cho các em từ 6 tuổi – 10 tuổi. Một sân chơi bổ ích và lành mạnh, giúp gieo trồng thiện căn cũng như ý thức được lối sống có trách nhiệm và đạo đức, là mục tiêu mà chư Tăng muốn đem đến cho các em.
Các lễ lớn trong năm ở chùa Hoằng Pháp
Lễ Cầu An đầu năm (15/1 Âm lịch): Được duy trì để giữ vững truyền thống đi chùa đầu năm của người Việt Nam, cũng là phương tiện để gieo trồng thêm hạt giống Phật pháp.
Đại lễ Phật Đản (15/4 Âm lịch): Là 1 ngày lễ chính thức của Phật giáo trên toàn thế giới, để kỷ niệm cũng như tri ân một bậc Đại Giác (đức Phật Thích Ca Mâu Ni) đã xuất hiện trên đời. Lễ Phật Đản ở chùa Hoằng Pháp thường được tổ chức quy mô để tạo ấn tượng & nhắc nhở hàng Phật tử nâng cao việc tu hành để báo ân đức Phật.
Đại lễ Vu Lan Báo Hiếu (15/07 Âm lịch): Là ngày lễ quan trọng của Phật Giáo Phát Triển. Lễ Vu Lan Báo Hiếu ngày được chú trọng về quy mô để mở rộng ảnh hưởng tới đông đảo mọi người.
Lễ Quy y Tam bảo: Được tổ chức 03 lần/năm, nền móng vững chãi của chánh tín & điều kiện tiên quyết để thực hành đúng chánh pháp là quy y Tam bảo. Số lượng Phật tử tăng thêm hàng ngàn mỗi năm thông qua buổi lễ này.
Lễ Giỗ Tổ (ngày 16/10 Âm lịch): Đây là cơ hội để chư Tăng tưởng nhớ đến công ơn của Thầy Tổ đã sáng lập chùa, và cũng là cơ hội để các huynh đệ đồng môn gặp gỡ, chia sẻ với nhau về thuận lợi cũng như khó khăn khi bước đầu ra xây dựng ngôi Tam bảo.
Đêm hoa đăng kỷ niệm đức Phật Di Đà (ngày 17/11 Âm lịch): Vào buổi tối, đêm hoa đăng được tổ chức nhằm lan tỏa thông điệp thắp sáng và truyền trao trí tuệ Phật pháp, nhắc nhở, thúc đẩy tinh thần tu học & phát huy trí tuệ để bảo tồn và tiếp nối mạng mạch Phật giáo.
Kinh nghiệm đi chùa Hoằng Pháp
Nếu có dự định đến chùa Hoằng Pháp trong hè này, thì bỏ túi ngay các kinh nghiệm sau đây!
Cách di chuyển tới chùa Hoằng Pháp
Chùa Hoằng Pháp nằm cách trung tâm quận 1 Sài Gòn khoảng 20 km về phía Tây Bắc, nên việc di chuyển đến đây khá dễ dàng, nhanh chóng, giao thông thuận lợi. Bạn có thể di chuyển đến chùa bằng xe ô tô riêng, xe máy, xe buýt đều rất đơn giản mà không tốn nhiều thời gian.
- Di chuyển bằng xe bus: Để tới chùa, bạn có thể đi tuyến bus số 04, 13, 74 hoặc 94.
- Di chuyển bằng xe máy: Nếu ở gần chùa Hoằng Pháp thì có thể di chuyển bằng xe máy hoặc thuê xe tại trung tâm TP HCM để tự di chuyển. Giá thuê xe máy tại TP HCM khoảng 100.000 – 180.000 VNĐ/ xe/ ngày.
Thời gian mở cửa chùa Hoằng Pháp
Chùa Hoằng Pháp mở cửa từ lúc 6 giờ sáng & đóng cửa vào 6 giờ tối, từ thứ 2 đến Chủ nhật hàng tuần. Quý khách nên nắm bắt thời gian để chủ động hơn.
Các điểm du lịch gần chùa Hoằng Pháp
-
Sau khi tham quan Chùa Hoằng Pháp, bạn hãy dành thời gian ghé qua Công viên đá Nhật Bản RinRin Park, đây là 1 không gian sân vườn Nhật Bản với hồ cá koi và hàng trăm cây bonsai cổ thụ tuyệt đẹp.
-
Bên cạnh đó, Cánh đồng hoa Nhị Bình tọa lạc ven dòng sông Sài Gòn cũng sẽ là điểm check-in đầy sắc màu từ muôn vàn loài hoa nổi bật.
-
Nếu yêu thích khung cảnh làng quê Nam bộ bình dị, thì ghé ngay Khu du lịch sinh thái Villa H2O để hòa mình vào thiên nhiên cùng nhiều hoạt động giải trí, thư giãn, vô cùng hấp dẫn khác.
Lưu ý khi đến chùa Hoằng Pháp
- Khi đi qua cổng Tam quan vào chùa thì nên đi vào cửa Giả quan (bên phải) và đi ra bằng cửa Không quan (bên trái). Cửa Trung quan chỉ dành cho Thiên tử, các bậc cao tăng, bậc khoa bảng đi vào chùa. Và đi ra cũng theo cửa này.
- Chùa là nơi linh thiêng nên đến đây không nên ăn mặc trang phục quá màu mè và gây phản cảm làm mất đi vẻ trang nghiêm vốn có của chùa.
- Đến chùa, nên thành tâm cầu bình an & tận hưởng vẻ đẹp an lạc, linh thiêng thay vì vì mải mê chụp ảnh.
- Không tùy ý đụng, chạm hoặc lấy đi bất cứ đồ vật nào trong chùa khi không có sự cho phép của nhà chùa.
- Không dẫm đạp lên cây cối, hoa cỏ, bàn ghế trong chùa. Vứt rác đúng nơi quy định để tránh gây ô nhiễm môi trường.
- Nên xin phép trước với ban quản lý nhà chùa nếu muốn quay phim, chụp hình.
- Không bỏ tiền vào tượng Phật, chỉ chỉ để tiền vào hòm công đức.
- Chắp tay hình hoa sen & cúi chào sư thầy, sư cô.
- Không mang vũ khí, chất gây cháy nổ, các chất ma túy, gây nghiện, văn hóa phẩm đồi trụy hoặc các loại tài liệu chưa được sự kiểm duyệt và cho phép từ nhà chùa.
- Không đi vào những khu vực biển Cấm vào và nội viện của Tăng Ni.
- Tuyệt đối không tự ý đánh chuông, trống, các pháp khí của chùa.
Lời kết
Cho đến thời điểm hiện tại, chùa Hoằng Pháp luôn được coi là trung tâm tu học Phật Pháp, trung tâm văn hóa Phật giáo lớn nhất nước ta. Bạn có thể đến để lễ Phật, cầu may, hoặc đơn giản là đến để thanh tịnh tâm hồn, tận hưởng sự bình yên mỗi khi căng thẳng, bế tắc trong cuộc sống. Có thành ắt sẽ được đáp đền.