Chùa Ba Vàng là một trong số điểm du lịch văn hóa tâm linh nổi tiếng mà bất kỳ du khách nào cũng nên ghé thăm một lần khi đặt chân đến vùng đất Quảng Ninh . Bài viết hôm nay sẽ cung cấp một số thông tin về chùa Ba Vàng, hy vọng sẽ hữu ích cho quý du khách trong chuyến đi mùa hè này.
Tổng quan về chùa Ba Vàng
Đầu tiên là một vài thông tin tổng quát về chùa Bà Vàng Quảng Ninh.
Chùa Ba Vàng ở đâu?
Chùa Ba Vàng (còn được gọi là Bảo Quang Tự) nằm trên lưng chừng của núi Thành Đẳng, phường Quang Trung, thành phố Uông Bí, thuốc tỉnh Quảng Ninh. Chùa tọa lạc trên 1 vị trí rất đẹp ở độ cao 340m, phía trước là dòng sông dài, phía sau tựa lưng vào núi và phía hai bên là rừng thông trải dài xanh ngát.
Du lịch chùa Ba Vàng chính là đi đến vùng đất Phật linh thiêng, huyền bí được xây dựng ở vị trí có đầy đủ yếu tố sông dài phía trước, đằng sau là núi cao, hai bên là Thanh Long và Bạch Hổ – một mỹ cảnh làm đắm say bất cứ ai.
Lịch sử ngôi chùa Ba Vàng
Chùa Ba Vàng Quảng Ninh được xây dựng vào năm Ất Dậu 1706, dưới triều vua Lê Dụ Tông. Trải qua thời gian với sự tàn phá của thiên nhiên và chiến tranh, ngôi chùa Ba Vàng đã trở thành phế tích. Vào năm 1988, chùa được tôn tạo và trùng tu lại bằng gỗ. Đến năm 1993 thì được xây dựng lại. Các di vật của chùa thời xưa hầu hết không còn, chỉ còn một cây hương đá, một tấm bia linh vị thiền sư & những viên tảng kê chân cột.
Trải qua tháng năm, chùa đã nhiều lần được trùng tu, tôn tạo. Cho đến tháng 1 năm 2011, để đáp ứng nhu cầu tu học của nhiều tăng ni, phật tử & hoằng dương Phật pháp chùa Ba Vàng một lần nữa được khởi công xây dựng trên quy mô lớn, khang trang và đẹp đẽ hơn nhiều. Ngày nay, chùa đã trở thành một trong những địa điểm du lịch tâm linh Quảng Ninh thu hút mà du khách nhất định phải ghé thăm khi đến đây.
Chùa Ba Vàng thờ Phật, Mẫu và Đức Ông. Trong chùa có rất nhiều pho tượng bằng gỗ được đặt ở các vị trí khác nhau như Quan thế âm bồ tát, Phật A Di Đà, Tam thế, Tam Bảo, Ông Thiện, ông Ác…
Những kỷ lục của chùa Ba Vàng
Chùa Ba Vàng được công nhận với nhiều kỷ lục tại Việt Nam. Cùng điểm xem một vài “cái nhất” của ngôi chùa này nhé!
Ngôi chùa có tòa chính điện lớn nhất ở Việt Nam: Tổ chức Kỷ lục Việt Nam năm 2014 đã chính thức công nhận Chùa Ba Vàng Quảng Ninh là ngôi chùa trên núi có tòa chính điện lớn nhất, đó là tòa Đại Hùng Bảo Điện đạt kỷ lục Việt Nam kể từ ngày 09 tháng 03 năm 2014. Đại Hùng Bảo Điện (chính điện) có diện tích xấp xỉ 4.000m².
Sở hữu trống độc mộc bằng gỗ đỏ lớn nhất ở Việt Nam: Tổ chức Kỷ lục Việt Nam cũng đã chính thức công nhận kỷ lục “Ngôi chùa có chiếc trống độc mộc bằng gỗ đỏ đỏ nguyên khối lớn nhất” dành cho chùa Ba Vàng. Chiếc trống có đường kính thân trống là 1,8m, đường kính mặt là 1,5m, chu vi thân trống là 5,5m và chiều dài trống là 2,5m.
Có nơi thờ Tam bảo lớn nhất ở Việt Nam: Đây là nơi thờ Tam bảo được công nhận là lớn nhất Việt Nam từ khi khánh thành vào năm 2014.
Kiến trúc chùa Ba Vàng có gì đặc sắc?
Chùa Ba Vàng – Quảng Ninh được xây dựng cách đây hơn 300 năm, từ triều vua Lê Dụ Tông 1706. Trải qua hàng trăm năm lịch sử, ngôi chùa đã được tu sửa tôn tạo lại nhiều lần. Ngày nay, ngôi chùa đã khoác lên mình vẻ đẹp tráng lệ nguy nga, ẩn chứa nhiều điều chờ con người tứ phương đến khám phá.
Mang vẻ đẹp đặc trưng của những ngôi chùa Bắc Bộ, chùa Ba Vàng cũng được chia thành 03 gian bái đường, 1 gian hậu cung với các ban thờ Phật, thờ Mẫu & thờ Đức Ông. Không những thế chùa Ba Vàng còn nổi tiếng với toà chính điện lớn nhất Việt Nam.
Trước khi bước chân vào trong chùa du khách sẽ bị bất ngờ với hệ thống tượng pháp được thiết kế vô cùng độc đáo và lạ mắt với chiều cao tất cả đều trên 2m. Trong số những bức tượng đó chắc chắn sẽ ấn tượng nhất với Phật A Di Đà được làm bằng gỗ đỏ lớn nhất miền Bắc.
Khu du lịch chùa Ba Vàng còn nổi tiếng với các hòn non bộ nhân tạo được xây dựng một cách rất tự nhiên. Tới đây du khách sẽ được tận hưởng không khí bình yên thanh tịnh, nơi làm cho tâm hồn được rũ sạch bụi trần.
Kinh nghiệm du lịch chùa Ba Vàng
Bỏ túi ngay một số kinh nghiệm sau đây để chuyến đi đến chùa Ba Vàng thuận tiện và dễ dàng hơn.
Thời điểm tốt để đi chùa Ba Vàng
Thời điểm thích hợp nhất du khách nên đi du lịch chùa Ba Vàng Quảng Ninh là lúc khai hội chùa mùng 08 tháng Giêng âm lịch hoặc Lễ hội hoa cúc tổ chức ngày 09/09 âm lịch. Đây là ngày tết cổ xưa của người Việt Nam, gọi là tết Trùng Dương hay là Ngày tết hoa cúc.
Bên cạnh đó, chùa Ba Vàng còn thường tổ chức các khóa tu theo từng tháng.
Hướng dẫn di chuyển đến chùa Ba Vàng
Phương tiện công cộng: Từ các bến xe ở thành phố Hà Nội, du khách đi tuyến tuyến Hà Nội – Uông Bí (khoảng 100.000đ/lượt). Sau khi tới thành phố Uông Bí, du khách có thể di chuyển bằng xe ôm hoặc đi taxi đến chùa Ba Vàng.
Phương tiện cá nhân: Từ thành phố Hà Nội, có thể di chuyển theo hướng cầu Chương Dương – Bắc Ninh – Quốc Lộ 18 là sẽ đến được thành phố Uông Bí. Từ đây, du khách sẽ dễ dàng tìm được đường đi đến ngôi chùa Ba Vàng.
Đặc sản du lịch chùa Ba Vàng
Một số đặc sản nổi tiếng ở Quảng Ninh khách du lịch nhất định phải thử theo kinh nghiệm đi du lịch Chùa Ba Vàng như:
Chả mực: là 1 trong những món ăn ngon, đặc sản có tiếng tại nơi đây. Mực ở đây rất tươi và ngon, nhưng đặc biệt nhất có lẽ khó có món nào có thể bằng món chả mực. Món chả mực ngon nhất vẫn là dùng chung với xôi trắng. Hạt xôi khô nhưng mềm, thơm hương nếp quyện với mùi chả vừa béo lại vừa ngọt.
Rượu mơ Yên Tử: Rượu mơ ở đây không chỉ ngon khỏi bàn mà còn có nhiều tác dụng rất tốt cho sức khỏe như: hỗ trợ sức khoẻ đường ruột, có tác dụng giảm lo âu và tinh thần căng thẳng, cung cấp dinh dưỡng cho hệ thần kinh, trị bệnh mất ngủ…
Con ngán: là loài hải sản phổ biến ở vùng biển Quảng ninh. Ngán có thể chế biến thành được nhiều món như: nấu cháo, nướng, hấp, xào với mì hay rau cải. Và đặc biệt món rượu ngán ngon trứ danh là món mà bất kỳ du khách nam nào cũng nên uống thử.
Sá sùng: là đặc sản đắt đỏ dùng để chế biến thành thức ăn hoặc làm thành 1 vị thuốc. Sá sùng khô rất được du khách ưa chuộng để mang về làm quà biếu.
Bánh gật gù: một đặc sản nổi tiếng của vùng đất Tiên Yên, được tráng trên nồi hấp rồi cuộn lại như bánh cuốn. Bánh có hương vị giống bánh phở nhưng chúng lại mềm, dai hơn là vì người ta thêm cơm nguội vào trong khi xay bột. Ngon nhất là khi được ăn bánh nóng.
Ngoài ra còn có Gà đồi Tiên Yên, nem chua, nem chạo,… cũng là những món nên thử khi du lịch chùa Ba Vàng Quảng Ninh
Lưu ý khi du lịch đến chùa Ba Vàng
- Chùa là nơi linh thiêng do vậy khi đến đây bạn không nên ăn mặc trang phục quá mài mè và gây phản cảm; làm mất đi tính trang nghiêm vốn có.
- Không dẫm đạp lên cây cối, cỏ hoa hay bàn ghế, đồ đạc trong chùa. Vứt rác đúng nơi quy định.
- Nên xin phép trước với ban quản lý chùa để được sự đồng ý nếu muốn chụp ảnh, quay phim.
- Không bỏ tiền vào tượng Phật, chỉ để vào hòm công đức.
- Đến chùa, bạn nên thành tâm cầu bình an, cũng như tận hưởng vẻ đẹp an lạc, linh thiêng thay vì chỉ mải mê chụp ảnh.
- Không tùy ý đụng chạm hoặc lấy bất cứ đồ vật nào trong chùa nếu không được sự cho phép của nhà chùa.
- Chắp tay hình hoa sen, cúi chào sư thầy và sư cô.
- Tuyệt đối không đánh chuông, trống, các pháp khí của chùa.
- Không mang theo vũ khí, chất gây cháy nổ, chất ma túy, gây nghiện, sản phẩm đồi trụy và các loại tài liệu chưa được kiểm duyệt và cho phép của nhà chùa.
- Không đi vào những nơi có biển Cấm vào và nội viện của Tăng Ni.
Lời kết
Có thể nói, du lịch chùa Ba Vàng là một trong top các điểm đến văn hoá vô cùng hấp dẫn và linh thiêng đáng để du khách tham quan tại miền Bắc Việt Nam. Hy vọng bài viết sẽ cung cấp những thông tin bổ ích cho bạn nếu bạn có dự định ghé ngôi chùa này trong thời gian sắp tới.