Kỳ Nam là loại gỗ quý hiếm nhất trên thế giới, giá trị tâm linh và sức khỏe mà Kỳ nam mang lại cho người sở hữu nó là vô giá. Cho đến hiện tại, Việt Nam của chúng ta là quốc gia duy nhất tìm thấy Kỳ Nam trong tự nhiên. Trong dòng chảy của lịch sử “ngậm ngải tìm trầm”, đã có nhiều sự nhầm lẫn giữa kỳ nam với trầm hương. Vậy thực chất kỳ nam là gì? Dựa vào đâu để nhận biết và phân biệt kỳ nam với trầm hương? Những ý nghĩa phong thủy tâm linh nào của kỳ nam đã được biết đến? Suối Nguồn Tình Thương sẽ giải đáp trong bài viết dưới đây.
Kỳ Nam là gì?
Kỳ Nam (còn gọi là trầm kỳ) cũng là thứ gỗ được hình thành từ thân cây Dó Bầu – chi thực vật chuyên sinh trưởng trong các cánh rừng rậm nhiệt đới thường xanh. Tuy nhiên khác với “người anh em” trầm hương, mặc dù sinh ra từ cùng “một mẹ” là Dó bầu nhưng Kỳ nam có cách thức hình thành vô cùng độc đáo.
Theo các nhà nghiên cứu loại gỗ quý này thì trong 1.000 cây Dó bầu có tuổi thọ trên 100 năm mới sẽ có 1 cây sinh ra Kỳ nam. Đặc biệt Kỳ nam chỉ từng được phát hiện trong các khu rừng nguyên sinh sâu thẳm ở tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa, Gia Lai, Kontum của nước ta. Kỳ Nam có thể được tìm thấy trên cả ngọn, thân, cành hoặc rễ cây dó bầu. Về quá trình hình thành Kỳ, hiện nay có rất nhiều giả thuyết khác nhau được các nhà khoa học đưa ra, và chưa có giả thuyết nào được khẳng định chắc chắn.
- Đầu tiên người ta cho rằng, nếu trầm hương được hình thành do vi sinh vật xâm nhập vào tế bào gỗ dó bầu, sau đó kết hợp với nhựa cây tiết ra để tạo thành trầm, thì Kỳ nam không cần bất kỳ tác động nào từ môi trường bên ngoài. Kỳ được tạo thành do bản thân cây dó bầu tự phát bệnh, các vách tế bào Cellulose sẽ tự chuyển biến thành một hợp chất hữu cơ mới, ủ trong thân cây hàng trăm năm để thành Kỳ nam.
- Tuy nhiên các nhà nghiên cứu Nhật Bản thì cho rằng, nếu cây dó bầu tự phát bệnh thì chưa đủ điều kiện hình thành Kỳ, mà phải có sự góp sức từ vết thương do môi trường bên ngoài.
- Còn các chuyên gia Trung Quốc cho biết theo nhiều nghiên cứu của họ thì loài ong chính là tác nhân quan trọng tạo nên Kỳ. Khi ong làm tổ trên thân cây dó bầu, mật ong sẽ ảnh hưởng đến quá trình các thành tế bào Cellulose chuyển hóa, điều này giúp Kỳ nam có mùi hương mà không loại trầm nào có được.
- Giả thuyết cuối cùng cho rằng, Kỳ nam được tạo ra là do cây bó dầu bị đột biến dị thường bởi sự xâm nhập của một chủng nấm hiếm gặp.
Đến nay chưa có giả thuyết nào trong 4 giả thuyết trên được công nhận 100%, tuy nhiên qua tìm hiểu chúng ta cũng đã thấy được mức độ quý hiếm không gì sánh được của Kỳ nam trong tự nhiên.
Các loại Kỳ Nam
Tương tự như trầm hương, Kỳ nam cũng được phân thành các loại khác nhau. Việc phân loại Kỳ Nam xuất hiện lần đầu trong tài liệu chính thống là ở sách “Phủ biên tạp lục” được viết vào năm 1776 của học giả Lê Quý Đôn. Trong sách ghi rõ: “Họ Nguyễn trước đặt đội Am sơn, hàng năm cứ tháng hai thì đi tìm kiếm, tháng sáu thì trở về, số lượng nhiều ít không nhất định, lấy sắc sáp trắng là tốt nhất, sắc xanh đầu vịt là thứ hai, sắc sáp xanh là kém nữa, sắc sáp vàng lại càng kém nữa, sắc như vằn hổ thì kém nhất; lấy chất mềm như phấn đông, có thể cắt thành miếng là hạng tốt nhất, bền rắn là hạng xấu. Tục ngữ nói: “Nhất bạch, nhị thanh, tam hoàng, tứ hắc”. Như vậy Kỳ nam đã được người Việt khai thác từ nhiều thế kỷ trước và phân loại thành 4 dòng chính dựa vào màu sắc và giá trị như sau:
- Bạch Kỳ có màu xám nhạt hoặc trắng ngà, giá trị vô cùng cao, rất khó định lượng.
- Thanh Kỳ có chất gỗ xanh lục, ánh xám bạc, độ đắt giá sau bạch kỳ.
- Hoàng Kỳ (huỳnh kỳ) có sắc vàng đậm pha nâu, xếp sau bạch kỳ và thanh kỳ
- Hắc Kỳ là loại kỳ nam giá trị thấp nhất trong 4 loại, chúng có màu đen hắc ín.
Cách phân biệt kỳ nam và trầm hương
Kỳ nam và trầm hương có cùng “một mẹ” là chi Dó bầu nên việc nhầm lẫn hai loại gỗ quý này cũng không phải điều hiếm gặp. Trên thực tế giá trị của hai loại gỗ này chênh lệch nhau rất nhiều, một khối gỗ Kỳ nam có thể có giá lên đến hàng tỷ đồng. Cách phân biệt kỳ nam và trầm hương dựa vào vân gỗ, độ cứng, khói và hương thơm, trạng thái tinh dầu trên gỗ.
- Vân gỗ: Dưới kính hiển vi, khi phóng to các sợi gỗ mảnh trong Kỳ nam ta sẽ thấy các đường vân của gỗ kỳ luôn chạy thẳng, gần như song song với nhau. Trong khi đó ở trầm hương thường có các đường vân xoáy ốc, các hạt lượn sóng không đều nhau.
- Độ cứng: Khi mới được khai thác, khối kỳ nam sẽ dẻo như sáp ong, nhưng theo thời gian khối kỳ sẽ càng cứng rắn hơn. Tuy nhiên nếu so với trầm thì Kỳ nam mềm hơn trầm hương rất nhiều.
- Khói và mùi hương: Khi đốt Kỳ nam cho ngọn khói thẳng dài màu xanh xám tụ rất lâu trong không khí. Nếu nếm thử một mẩu gỗ Kỳ, bạn sẽ thấy đầu lưỡi của mình lưu lại đủ 5 vị (cay, đắng, mặn, ngọt, chua) và mùi hương kỳ nam sẽ là mùi thơm của gỗ rừng, rêu rừng, mưa rừng lan tỏa nhẹ nhàng trong không gian. Còn với trầm, khi đốt sẽ tạo ngọn khói xoắn ốc và thời gian tụ không lâu như kỳ, sắc khói màu trắng nhiều hơn xanh. Vị gỗ trầm khi nếm thử là vị đắng, chát và hơi ngọt. Trầm cũng có mùi thơm nhạt hơn Kỳ.
Tác dụng của Kỳ Nam
Đông y gọi Kỳ nam là Già Nam, Kỳ Nam Hương, y học cổ truyền đã lưu truyền về tác dụng của Kỳ nam trong việc chữa nhiều loại bệnh như: giảm đau, xoa dịu thần kinh, hen suyễn, cấm khẩu, trúng gió, đầy bụng…. Còn y học hiện đại đã nghiên cứu và cho thấy trong thành phần của Kỳ nam có hàm lượng sesquiterpene rất cao – đây là hoạt chất gốc thực vật có khả năng điều trị ung thư và chống oxy hóa các tế bào. Như vậy tác dụng của Kỳ nam với sức khỏe con người là điều không thể phủ nhận. Ngoài ra người ta còn nhắc đến Kỳ với vai trò như một vật phẩm phong thủy tâm linh vô giá mà chúng tôi sẽ nhắc đến ở phần cuối bài viết này.
Cách nhận biết Kỳ nam
Cách nhận biết Kỳ nam được những người chuyên săn tìm loại gỗ quý này chia sẻ. Sâu trong những khu rừng nhiệt đới nguyên sinh, tìm những cây dó bầu già (tuổi đời trên 100 năm), lá nhỏ và vàng, gốc cây đùn thành ụ hoặc có gò như gò mối, thân và cành cây có nhiều u bướu thì khả năng cao cây đó có Kỳ nam.
Việc nhận biết kỳ nam đã được khai thác thì hoàn toàn dựa vào các dấu hiệu bên ngoài như: Thớ gỗ thẳng và nhuyễn mịn, tinh dầu bóng loáng, một số loại Kỳ nam trên bề mặt sẽ có sáp vàng như sáp ong, mùi thơm tự nhiên đặc trưng…. Người xưa thì lưu truyền một cách nhận biết kỳ nam phổ biến đó là lấy lá chuối khô bọc kín khối gỗ nghi là kỳ, sau đó đem phơi nắng, hết một ngày thì mở ra xem, nếu trên bề mặt khối gỗ có nhiều tinh dầu tiết ra ở dạng sệt và bóng loáng thì đó chính là Kỳ nam.
Ý nghĩa phong thủy của Kỳ nam
Như đã nói ở trên, ý nghĩa phong thủy của Kỳ nam mới là thứ tạo nên giá trị của đích thực của loại gỗ này. Những khối Kỳ nam chính là tinh hoa của trời đất ấp ủ qua hàng trăm năm, Kỳ ẩn mình trong rừng sâu núi thẳm, không phải loại gỗ mà bất kỳ ai cũng có may mắn gặp được. Trong lịch sử khai thác và sử dụng Kỳ, từ thế kỷ 16-17 triều đình phong kiến Việt Nam đã bắt nhân dân cống nạp những sản vật quý tại địa phương trong đó số một là kỳ nam. Ở Trung Hoa – quê hương của phong thủy, Đạo giáo, Phật giáo thì Kỳ nam mang ý nghĩa tâm linh vô cùng thiêng liêng. Người Trung Quốc quan niệm rằng phải tu nhiều kiếp và phải là người cực kỳ đức độ mới được sở hữu Kỳ nam.
Trên thực tế, Kỳ nam được coi là loại gỗ có tác dụng “trừ sơn lam chướng khí” tức là các loại khí độc, tà khí, ám khí. Nhiều người cho rằng nếu bạn có cơ may được đeo một mẩu Kỳ nam trong người thì bạn sẽ tránh được mọi tai ương, bệnh tật. Kỳ nam vì vậy được coi là bùa hộ mệnh, giúp gia chủ tăng vận may, tránh xui rủi. Trong các nghi lễ tôn giáo, đặc biệt ưa chuộng sử dụng hương thơm được đốt từ Kỳ nam vì ý nghĩa thiêng liêng đầy tôn kính của loại gỗ này.
Hiện nay mặc dù với sự trợ giúp của rất nhiều trang thiết bị hiện đại nhưng việc tìm kiếm Kỳ nam trong tự nhiên vẫn vô cùng khó khăn vì mức độ khan hiếm của nó. Nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá này cần được tái tạo và bảo vệ hơn bao giờ hết để Kỳ nam tiếp tục là niềm tự hào của người dân Khánh Hòa nói riêng và con dân đất Việt nói chung.