Có nên lau chùi bàn thờ thường xuyên không là thắc mắc của nhiều gia đình. Vì bàn thờ là một vị trí có ý nghĩa linh thiêng đặc biệt trong nhà. Đây vừa là nơi thờ cúng gia tiên thể hiện lòng biết ơn, kính trọng của con cháu, đồng thời cũng là nơi hiện diện của các bậc thần linh tùy vào tín ngưỡng của mỗi nhà. Người Việt cũng quan niệm nếu lau dọn bàn thờ không đúng cách sẽ mạo phạm đến tổ tiên và thần linh. Thời gian lau dọn bàn thờ nên là bao lâu và cách lau dọn có gì cần chú ý? Tất cả sẽ có trong bài viết dưới đây của Suối Nguồn Tình Thương?
Bao lâu thì nên lau chùi bàn thờ một lần?
Thông thường với các gia đình Việt, ngoài dịp lễ tết cổ truyền và giỗ chạp trong năm thì gia chủ sẽ thắp hương trên bàn thờ vào ngày rằm và mùng 1 âm lịch hàng tháng. Vậy có phải cứ chuẩn bị thắp hương là chúng ta phải lau dọn bàn thờ một lần hay không? Tức là trung bình một tháng bạn sẽ cần lau dọn bàn thờ 2 lần?
Theo nhiều nhà nghiên cứu tâm linh phong thủy trong tín ngưỡng thờ cúng thì việc lau dọn bàn thờ sẽ diễn ra ở 3 cấp độ khác nhau như sau:
- Lau dọn bàn thờ sạch sẽ, không để bụi bẩn, mạng nhện, tàn hương rơi rụng lung tung trước mỗi lần thắp nhang. Có nghĩa là việc này bạn có thể làm vào ngày rằm, mùng 1 âm lịch hàng tháng.
- Lau chùi bàn thờ cẩn thận nên làm 2 tháng một lần.
- Bao sái bàn thờ – việc này chỉ diễn ra vào dịp cuối năm âm lịch (trước ngày 23 tháng Chạp hàng năm) chuẩn bị đón tết Nguyên Đán.
Lưu ý: Chỉ khi nào bao sái bàn thờ thì gia chủ mới xê dịch hoặc dịch chuyển bát hương, còn với hai cấp độ lau dọn ban đầu thì tuyệt đối không nên dịch chuyển bát hương vì sẽ khiến cho việc an vị tâm linh bị ảnh hưởng.
Tại sao việc lau chùi bàn thờ không nên làm thường xuyên? Giải thích điều này nhiều nhà tâm linh nói rằng vì khu vực bàn thờ mỗi gia đình là vị trí linh thiêng, cần được an vị, thanh tĩnh để tụ khí – tụ tài, nếu động chạm quá thường xuyên thì sẽ ảnh hưởng về mặt tâm linh.
Với mỗi cấp độ trên thì gia chủ sẽ có các công việc cụ thể. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ hướng dẫn cách lau chùi bàn thờ 2 tháng một lần. Còn việc bao sái bàn thờ Suối Nguồn Tình Thương sẽ dành riêng một bài khác để chia sẻ cụ thể.
Các bước lau chùi bàn thờ chuẩn
Lau dọn bàn thờ tiến hành 2 tháng một lần sẽ có các bước cụ thể sau:
- Bước 1: Người trực tiếp tiến hành lau dọn bàn thờ cần tắm rửa sạch sẽ trước khi thực hiện công việc. Điều này thể hiện sự tôn trọng của con cháu với gia tiên cũng như các bậc thần linh.
- Bước 2: Thắp 3 nén nhang trầm lên bàn thờ và xin phép, thần linh, gia tiên để con cháu được lau dọn bàn thờ gọn gàng sạch sẽ, mời các vị bề trên tạm lánh để con cháu tiến hành công việc.
- Bước 3: Dọn đồ thờ cúng trước khi lau chùi, trải một tấm vải sạch trên bàn rồi chuyển đồ thờ cúng, ảnh ông bà gia tiên, bài vị… xuống để trên tấm vải đó. Lưu ý không được động vào bát hương.
- Bước 4: Chuẩn bị nước để lau dọn bàn thờ. Nên dùng 5 loại thảo mộc là quế, hồi, gỗ vang, bạch đàn, đinh hương, cho nước sạch và đun sôi. Nếu không tìm được 5 loại thảo mộc này thì gia chủ có thể pha rượu với gừng tươi dùng để lau chùi. Chuẩn bị một vài chiếc khăn mới, sạch sẽ (tốt nhất là chưa từng dùng để lau vật gì) sau đó nhúng vào nước đã chuẩn bị để lau chùi các vật dụng thờ cúng như đèn nến, lục bình, ảnh gia tiên, bài vị….
- Bước 5: Lau dọn mặt bàn thờ, sau khi lau chùi sạch sẽ các vật dụng thờ cúng thì bước tiếp theo là lau dọn mặt bàn thờ. Mặt bàn thờ là vị trí bị bụi bẩn nhiều do tàn hương rơi xuống, vì vậy cần lấy khăn sạch khô gạt hết tàn hương và bụi xuống trước. Sau đó mới lấy khăn thấm nước để lau lại một lần nữa cho sạch hoàn toàn.
- Bước 6: Sau khi đã lau chùi sạch sẽ và các vật dụng thờ cúng được khô ráo thì gia chủ tiến hành sắp xếp lại bàn thờ như cũ. Lần lượt để bài vị, ảnh Phật, ảnh gia tiên trước, sau đó đến các đồ thờ cúng như nhang đèn, lục bình…. Sau khi sắp xếp xong cần nhìn bao quát xem các vị trí như ảnh Phật, ảnh gia tiên có vị khuất tầm nhìn không, có quang đãng không. Nếu có thì cần điều chỉnh cho phù hợp.
- Bước 7: Sau khi bàn thờ được dọn dẹp sạch sẽ thì gia chủ cần chuẩn bị một đĩa hoa quả và thắp hương báo cáo với thần linh, tổ tiên về công việc lau chùi đã xong để các ngài về an vị.
Những kiêng kỵ cần chú ý trong quá trình lau dọn bàn thờ
Một số kiêng kỵ cần phải tránh trong quá trình lau dọn bàn thờ như sau:
- Thực hiện việc di chuyển đồ thờ cúng ra khỏi bàn thờ một cách nhẹ nhàng, tránh va chạm tạo tiếng động lớn, hoặc làm đổ vỡ đồ thờ. Theo quan niệm dân gian, nếu vật dụng thờ cúng bị đổ vỡ thì gia đình sẽ gặp điềm xui, đồng thời cũng thể hiện sự thiếu kính trọng với người đã khuất.
- Nếu bàn thờ gia đình bạn có thờ Phật thì cũng phải khấn xin các vị Phật trước, sau đến các vị thần linh (thổ công thổ địa) rồi mới khấn đến gia tiên tiền tổ của dòng họ.
- Trong trường hợp bát hương quá đầy, chân hương chật cứng gây khó khăn cho việc thắp hương thì gia chủ nên tỉa bớt chân hương. Tuy nhiên vẫn không được xê dịch bát hương. Nên dùng một tay giữ bát hương đúng vị trí, một tay tỉa bớt chân hương xung quanh để bát hương được sạch sẽ và cũng tránh được hỏa tai bất ngờ. Chú ý là nên để lại số chân hương là số lẻ, còn những chân hương được tỉa bớt thì nên đem thả ở sông lớn.
- Không chỉ trên bàn thờ cần sạch sẽ, thông thoáng, thể hiện được sự trang nghiêm, kính cẩn mà vị trí dưới ban thờ hoặc xung quanh bàn thờ cũng cần thoáng đãng, không nên chất nhiều đồ vật dưới gầm bàn thờ.
Bàn thờ luôn là vị trí linh thiêng trong cả thực tế lẫn tâm thức của người Việt. Nếu bàn thờ được sắp xếp phù hợp, sạch sẽ thì sẽ thể hiện được tấm lòng thành kính, biết ơn của con cháu trong việc thờ cúng tổ tiên cũng như các vị thần linh.