Chùa Yên Tử – “Cái nôi của Phật giáo” đầy thiêng liêng và gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử của các vị vua thời nhà Trần. Có lẽ cũng vì vậy mà nơi đây thu hút rất nhiều khách du lịch khi đến Hạ Long. Dưới đây là những thông tin về ngôi chùa thú vị này cũng như những kinh nghiệm cần biết khi đi chùa Yên Tử.
Tìm Hiểu Về Chùa Yên Tử
Vị trí của Chùa Yên Tử
Chùa Yên Tử Quảng Ninh là một ngôi chùa nổi tiếng nằm ở thôn Nam Mẫu, xã Thượng Yên Công, TP. Uông Bí, Quảng Ninh. Nơi đây được Phật hoàng Trần Nhân Tông chọn làm nơi để tịnh tâm, tu hành sau khi truyền ngôi và lập ra phái Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử (một dòng Phật giáo đặc trưng ở Việt Nam). Đây cũng là nơi được yêu thích nhất Việt Nam
Đôi nét về núi Yên Tử
Núi Yên Tử hay còn được gọi là Yên Tử sơn, Bạch Vân Sơn. Ngọn núi này cao 1068m so với mực nước biển, quanh năm được bao phủ bởi những áng mây trắng bồng bềnh, tạo nên khung cảnh vô cùng huyền bí và cuốn hút.
Quãng đường từ chân núi đến đỉnh núi (chùa Đồng) dài khoảng 6000m. Bao quanh là hàng loạt cảnh đẹp kì vĩ như thác Vàng, thác Ngự Dội, rừng trúc, cổng trời,… Xen lẫn với thiên nhiên là các ngôi chùa, am và tháp cổ kính, gắn liền với những điển tích xa xưa của sự hình thành và phát triển của thiền phái Trúc Lâm.
Du lịch Yên Tử sẽ khiến bạn choáng ngợp bởi vẻ đẹp hùng vĩ của cảnh quan thiên. Những con suối trong ngắt tựa như dải lụa vắt ngang rừng trúc. Thấp thoáng xa xa là tiếng nước chảy róc rách len qua những viên đá bóng nhẵn. Đứng trên đỉnh núi bạn có thể chiêm ngưỡng được cả vùng Đông Bắc rộng lớn và cả dòng sông Bạch Đằng đang ồn ào cuộn sóng.
Lịch sử hình thành của ngôi chùa Yên Tử
Sau khi truyền ngôi lại cho con trai của mình, Phật Hoàng Nhân Tông chọn Yên Tử làm nơi để tu hành, giảng đạo cho chư tôn, tăng ni đến nghe. Sau thời gian ở đây tu hành, ông đã sáng tạo và xây dựng Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử mang tín ngưỡng văn hóa của dân tộc Việt Nam. Cùng với ông còn có hai môn đệ “ruột” là thiền sư Pháp Loa và Huyền Quang cũng là người đóng góp vào việc sáng lập ra thiền phái này.
Vẻ đẹp kiến trúc của chùa Yên Tử
Là địa điểm du lịch Quảng Ninh linh thiêng, chùa Yên Tử không chỉ gây ấn tượng cho khách du lịch bởi độ cao 1068m mà còn bởi kiến trúc vô cùng độc đáo. Chùa Yên Tử ở Quảng Ninh mang đậm kiến trúc của Phật giáo cổng tam quan hai tầng tám mái đứng uy nghiêm, mái chùa được lợp ngói vảy uốn cong thành hình đầu đao hướng thẳng lên trời. Tất cả các cột ở chùa đều được làm bằng loại gỗ lim chắc chắn, dưới chân có những phiến đá lớn bao quanh.
Các gian chùa đều được thiết kế một cách tinh tế, thoáng mát để phù hợp với thời tiết ở đây. Bên trong thì được sơn son thiếp vàng lộng lẫy, các bức tượng Phật, án thờ, bức khảm, cửa cánh võng được chạm khắc nguy nga.
Hướng Dẫn Cách Đến Chùa Yên Tử
Đường đi đến chùa Yên Tử Uông Bí Quảng Ninh không hề khó di chuyển, bạn có thể lựa chọn nhiều phương tiện cho chuyến đi của mình. Bạn có thể chọn tự đi xe cá nhân hoặc xe máy, xe ô tô hay xe khách đều có thể đến du lịch Yên Tử với 2 hướng đi:
- Theo hướng từ Hải Phòng, Nam Định và Thái Bình: Đi tới địa phận Uông Bí, đến ngã ba QL10 và QL18 thì rẽ trái đến đền Trình rồi đi thẳng tiếp 10km là tới.
- Theo hướng Hà Nội: Đi theo hướng về Bắc Ninh, đến QL18 thì rẽ đền Trình, đi thêm 10km đường thẳng là tới chân chùa Yên Tử.
Đường Lên Núi Yên Tử
Vì sự phát triển của giao thông nên việc di chuyển lên chùa Yên Tử cũng dễ dàng hơn. Tùy vào sở thích mà bạn có thể chọn đi bộ hoặc đi cáp treo:
- Đi cáp treo: Nếu bạn không có đủ sức khỏe và thời gian thì có thể đi cáp treo với chiều dài hơn 1200 m lên tới độ cao 450m gần chùa Hòa Yên.
- Leo bộ: Nếu bạn vừa có sức khỏe, thời gian mà lại muốn khám phá những điều thú vị ở dọc sườn núi Yên Tử thì có thể lựa chọn đi khoảng 6km dưới những tán trúc, rừng thông. Hiện nay, đường đi bộ đã được gia cố bởi những bậc thang nên việc di chuyển đã dễ dàng và thuận lợi hơn.
Những Địa Điểm Tham Quan Xung Quang Chùa Yên Tử
Chùa Giải Oan & Suối Giải Oan
Nếu đã đi núi Yên Tử thì không thể bỏ qua Chùa Giải Oan & Suối Giải Oan. Đường dẫn đến suối Giải Oan là cây cầu đá xanh với chiều dài 10 m nhuốm màu thời gian đầy cổ kính, bắc ngang qua một con suối trong veo.
Theo dân gian, con suối này là nơi giải oan, siêu độ cho những cung tần, mỹ nữ thời nhà Trần. Họ đã đắm mình xuống suối để tự vẫn vì thất bại trong việc van xin vị vua của mình trở lại triều đình.
Chùa Giải Oan hay còn có tên gọi khác Chùa Hạ. Khi đặt chân đến cửa chùa, bạn sẽ có cơ hội để ngắm nhìn 6 ngọn tháp đồ sộ cùng với mộ sư Pháp Loa, sư Huyền Quang và tháp thờ vua Trần Nhân Tông.
Đường Tùng
Tiếp theo trên con đường tìm về cõi Phật, bạn sẽ đi qua con Đường Tùng cổ với tuổi đời hơn 700 năm, cả con đường được bao phủ bởi hơn 250 cây tùng cổ thụ và những thân cây lớn đến nỗi một người ôm cũng không xuể.
Thu hút trọn vẹn khí trời thiêng nơi đất tổ nên những cây tùng đại thụ này luôn tươi tốt, vươn mình uy nghiêm khắp đoạn đường dẫn về non thiêng, che chở cho khách hành hương, làm điểm tựa cho các tăng ni và phật tử nghỉ ngơi trên đường tìm về đất tổ Phật giáo với bầu không khí mát lành, dễ chịu.
Tháp Tổ Huệ Quang, chùa Hoa Yên
Chùa Hoa Yên hay còn gọi chùa là Cả toạ lạc ở độ cao 534 m. Đây được xem là ngôi chùa lớn nhất, đồng thời cũng là trái tim của Yên Tử.
Ngôi chùa này được khởi công xây dựng vào thời Lý với tên gọi Phù Vân. Qua nhiều đời vua sau này, chùa được đổi tên thành chùa Hoa Yên vào thời nhà Lê.
Ngôi chùa đẹp nhất ngọn núi Yên Tử này cũng từng là nơi Phật hoàng giảng đạo cho các tăng ni, phật tử trong chùa.
Kết thúc hàng ngàn bậc đá, bạn có thể dừng chân lại nơi chùa Hoa Yên để vãn cảnh, đồng thời chiêm ngưỡng kiến trúc đầy độc đáo và công phù của thời Trần.
Ngoài ra, bạn cũng có thể tham quan tháp Tổ Huệ Quang – Nơi cất giữ một phần xá lị của vua Trần Nhân Tông nữa đấy.
Chùa Một Mái
Chùa Một Mái (Chùa Bán Mái) tựa vào vách núi Yên Tử và được xây dựng theo lối kiến trúc ba gian kỳ công và đầy tinh xảo, nơi này cũng là không gian để thờ Phật Quan Thế Âm.
Khi đặt chân đến chùa, bạn sẽ thấy được 3 gian thờ chính: bàn thờ Tổ, bàn thờ Tam Bảo và bàn thờ Hậu nằm ở vị trí thấp nhất, cũng như sâu nhất.
Nếu đã đến đây thì ngại gì mà không uống 1 ngụm nước thiêng tại khe nước ở chùa Một Mái. Sau khi uống xong ngụm nước này, cả cơ thể bạn dường như được thanh lọc trở nên nhẹ bẫng.
Chùa Bảo Sái
Chùa Bảo Sái là ngôi chùa mang tên đệ tử đầu tiên của Phật Hoàng Trần Nhân Tông – Thiền sư Bảo Sái và tọa lạc tại vách núi Yên Tử. Sau qua nhiều lần trùng tu, chùa Bảo Sái vẫn giữ được trọn vẹn nét kiến trúc đậm chất thời Trần tại nhà Tổ, chính điện cũng như cả những cảnh quan thiêng liêng, độc đáo của mình.
Đặc biệt chùa Bảo Sái còn có bàn thờ thần và giếng thiêng rêu phong đầ cổ kính. Cùng với đó là bức tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông nhập cõi Niết bàn to lớn, khổng lồ thu hút mọi ánh nhìn.
Tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông & An Kỳ Sinh
Tiếp tục hành trình chinh phục chùa Yên Tử, bạn sẽ được nhìn thấy bức tượng Tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông được trang hoàng một cách đầy uy nghiêm dựng trên đỉnh An Kỳ Sinh. Pho tượng nặng đến hơn138 tấn, cao 15 m và tọa lạc giữa chốn bồng lai Yên Tử cực hút mắt.
Bên cạnh tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông là bức tượng của tu sĩ hóa đá (An Kỳ Sinh) đầy hoài cổ. Trên người khoác áo chùng thâm, hai tay cung kính chắp trước ngực, bức tượng sừng sững, uy nghiêm giữa núi rừng này đã trải qua 7 thập kỷ với bao nhiêu tác động của thời tiết, chất chứa những ý nghĩa thâm sâu mà kẻ trần ai khó lòng để giác ngộ.
Chùa Đồng
Sau chặng đường dài với hàng ngàn vách đá cheo leo cùng với những rừng cây xanh ngút ngàn, điểm đến cuối cùng của hành trình chinh phục đỉnh thiêng Yên Tử là Chùa Đồng – ngôi chùa được bao quanh bởi tầng tầng lớp lớp mây mù bồng bềnh tựa cõi bồng lai tiên cảnh.
Khi thả trôi cảm xúc của mình trên đỉnh Yên Tử, bạn sẽ có cơ hội được ôm trọn khung cảnh tứ phương đẹp ngỡ ngàng, không thốt nên lời.
Nơi này có mây mù, có rừng cây đại thụ xanh mướt mát, có cả những khối đá lớn cùng rừng trúc bạt ngàn và ngôi chùa Yên Tử với kiến trúc tinh xảo, công phu như lọt thỏm vào giữa thung lũng, tựa hồ một ngôi làng thời nhà Trần từ 7 thế kỷ trước.
Khi tham quan ngôi chùa lớn nhất châu Á này, bạn sẽ không ngừng thốt lên những lời khen thán phục về toàn bộ kiến trúc được đúc bằng đồng kỳ công cực đặc sắc.
Bức tượng Phật lớn được đặt giữa đỉnh núi, hai bên là khánh và chuông đồng lớn. Hãy lắng tai nghe những tiếng gõ mõ đều đều vang động cả khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, lòng người bỗng trở nên trầm lắng, thanh tịnh và an yên hơn bao giờ hết, dường như nơi đây có thể kéo bạn thoát khỏi chốn trần tục đầy sân si thường nhật.
Gợi Ý Lịch Trình Tham Quan Chùa Yên Tử Trong Một Ngày
Nếu bạn muốn đi chùa Yên Tử nhưng chưa biết lên lịch như thế nào, bạn có thể tham khảo lịch trình dưới đây:
- Buổi sáng: Sau khi đã đến chân núi Yên Tử và gửi xe, bạn đi tham quan chùa Giải Oan rồi đi ra ga cáp treo lên Tháp Tổ. Sau khi tham quan Tháp Tổ, bạn đi tham quan các chùa xung quanh như Hoa Viên, Một Mái, tháp 9 tầng, sau đó đi cáp treo lên đến chùa Bảo Sái. Sau khi đã tham quan chùa, tượng An Kỳ Sinh, bạn đi bộ khoảng chừng 700m để lên chùa Đồng ở đỉnh núi.
- Buổi trưa: Sau khi tham quan chùa Đồng xong, bạn đi cáp treo về lại chùa Hoa Viên, ăn trưa và nghỉ ngơi ở khu vực nhà hàng, nhà nghỉ ngay đó.
- Buổi chiều: Bạn đi cáp treo để quay lại điểm ban đầu, lấy xe và đi tham quan Thiền Viện Trúc Lâm Yên Tử, chùa Suối Tắm, chùa Cẩm Thực, chùa Trình.
- Chiều tối: Bạn đi xe về lại nhà mình và kết thúc một ngày du ngoạn Yên Tử.
Ngoài ra, bạn cũng có thể kết hợp hành trình du lịch Yên Tử – chùa Ba Vàng trong 1 ngày cũng rất thú vị. Hai ngôi chùa này cũng nằm khá gần nhau.
Những Điều Cần Lưu Ý Khi Đi Du Lịch Chùa Yên Tử
- Thời điểm đi Yên Tử tuyệt vời nhất là mùa xuân với tiết trời mát mẻ, dễ chịu và có thêm những lễ hội vô cùng náo nhiệt.
- Nên đi giày đế mềm, giày thể thao vì quãng đường đi có nhiều đoạn cần phải leo núi.
- Nếu chọn đi cáp treo, bạn nên mua vé khứ hồi để tiết kiệm chi phí và thời gian.
- Giá vé tham khảo khi đi cáp treo chùa Yên Tử:
- Vé một chiều: 200.000đ/ 1 người/ 1 tuyến
- Vé khứ hồi: 350 000đ/người/2 tuyến
- Trẻ em dưới 1,2m và Người già trên 70 tuổi: Miễn phí
- Đường lên đỉnh Yên Tử khá xa nên bạn cần chia thời gian nghỉ ngơi hợp lý để giữ sức khỏe.
- Dọc đường đi tránh giẫm lên rễ cây, không nên ngắt cành, bẻ ngọn, không vứt rác bừa bãi.
- Vào mùa lễ hội, ở đây rất đông du khách nên cần bảo quản cẩn thận đồ đạc của bạn.
Những Thứ Cần Chuẩn Bị Khi Đi Chùa Yên Tử
Dưới đây là những thứ bạn cần chuẩn bị khi đi núi Yên Tử
- Tiền: Bạn mang theo số tiền đủ dùng và cất cẩn thận để tránh bị kẻ gian móc túi những ngày đông.
- Giày: Bạn không nên đi giày công sở hay giày cao gót, hãy đi giày thể thao, giày bata hoặc giày leo núi thì càng tốt. Tuy nhiên, trên ường leo bậc thang đá, có đoạn leo đường mòn và du khách có thể gửi giày, thuê dép ở chân núi.
- Ba lô: Vì chỉ đi trong ngày nên bạn chỉ cần mang theo một ba lô nhỏ, gọn nhẹ để đựng ít đồ ăn, nước uống.
- Quần áo: Khi đi chỉ cần bạn mặc những trang phục gọn nhẹ, lịch sự nhưng cần đủ ấm, có thể mang theo áo khoác nhẹ để khi leo có thể buộc áo quanh người hoặc bỏ vào ba lô.
- Nước: Bạn nên chuẩn bị sẵn 2 chai 500 ml hoặc một chai 1,5 lít để mang theo uống dọc đường, vì nước trên núi bán đắt hơn rất nhiều lần.
- Đồ ăn: có thể mang theo một vài món ăn nhẹ để ăn trưa như bánh mì sữa, bánh mì giò, xôi… Ngoài ra, bạn cũng có thể ăn trưa trên núi với xúc xích, ngô, khoai, phở… tuy nhiên giá trên đây thường cao hơn bình thường.
- Gậy: Nếu bạn chọn đi bộ thì nên mua một chiếc gậy tre dưới chân núi giá 5.000 đồng. Có cây gậy này giúp bạn leo đỡ mất sức, đặc biệt khi xuống núi sẽ không bị đau khớp gối.
Như vậy, bài viết đã giúp bạn tổng hợp tất cả những thông tin chi tiết của chùa Yên Tử và những kinh nghiệm cần biết khi đi viếng chùa. Hy vọng với những thông tin đã chia sẻ, bạn có thể có những trải nghiệm tuyệt vời nhất ở nơi linh thiêng này nhé!