Chùa Trấn Quốc nổi tiếng là ngôi chùa linh thiêng và lâu đời nhất tại Thăng Long – Hà Nội, là một điểm dừng chân rất có giá trị về tâm linh, lịch sử và cả kiến trúc, đã tồn tại suốt gần 1.500 năm. Dù bạn có phải là người theo đạo Phật hay không thì chuyến đi đến Chùa Trấn Quốc, đảm bảo vẫn sẽ mang đến cho bạn những góc nhìn vô cùng thú vị về văn hóa, lịch sử của Việt Nam. Cùng chúng tôi tìm hiểu về Chùa Trấn Quốc – ngôi chùa cổ linh thiêng đẹp nhất Việt Nam ở ngay dưới đây nhé!
Giới thiệu chung về Chùa Trấn Quốc
Chùa Trấn Quốc là một ngôi chùa cổ kính tại Hà Nội, đã trải qua 1.500 năm nhưng vẫn giữ vẹn nguyên dáng hình như thuở đầu tạo dựng. Chùa Trấn Quốc nguyên là Chùa Khai Quốc, từng là trung tâm hành hương của hội Phật giáo cả kinh thành Thăng Long thời nhà Lý, Trần.
Ngày nay, Chùa Trấn Quốc vô cùng nổi tiếng với kiến trúc cực kì đặc sắc. Ngôi chùa tựa như một đài sen khổng lồ đang nở rộ, mang nét sang trọng mà vẫn rất cổ kính giữa hồ nước mênh mang và tĩnh lặng, tạo nên một cảm giác vô cùng thư giãn, an yên tuyệt đối cho người đến hành hương.
Với nhiều giá trị về mặt lịch sử, kiến trúc và tâm linh, cửa Phật Chùa Trấn Quốc luôn thu hút rất nhiều Phật tử và khách tham quan du lịch cả trong và ngoài nước. Đặc biệt, công trình kiến trúc đặc sắc này được tạo nên bởi bàn tay vô cùng tài nghệ của cha ông đất Việt. Điều đó càng làm cho con cháu Việt Nam tự hào hơn khi ngôi chùa liên tục được vinh danh trên các tạp chí và các trang mạng điện tử có uy tín hàng đầu trên thế giới như:
- Năm 2016, báo Daily Mail đã bình chọn Chùa Trấn Quốc là một trong 16 ngôi chùa đẹp nhất trên thế giới.
- Năm 2017, trang web Wanderlust đã xếp Chùa Trấn Quốc đứng ở vị trí thứ ba trong top 10 ngôi chùa đẹp và hài hòa với môi trường xung quanh.
- Năm 2019, Chùa Trấn Quốc lại một lần nữa góp mặt trong danh sách những ngôi chùa Phật giáo sở hữu kiến trúc đẹp nhất thế giới và nên đến tham quan, theo sự bình chọn của tạp chí nổi tiếng National Geographic.
Chùa Trấn Quốc ở đâu?
Chùa Trấn Quốc hiện tọa lạc trên một hòn đảo nằm ở phía Đông của Hồ Tây, tại cuối đường Thanh Niên, thuộc phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội. Ngôi chùa nằm ở khu vực Hồ Tây khá nổi tiếng, vậy nên bạn hoàn toàn có thể di chuyển bằng phương tiện cá nhân hoặc phương tiện công cộng. Cụ thể:
- Đối với những ai đi bằng phương tiện cá nhân từ trung tâm thành phố thì chỉ mất khoảng 20 phút đi đường và có thể gửi xe miễn phí tại chùa.
- Còn nếu bạn lựa chọn đi bằng xe buýt, bạn có thể đi tuyến xe buýt số 50 (Long Biên – Sân vận động Quốc gia), sẽ có điểm dừng rất gần cổng chùa.
- Ngoài ra, nếu bạn đi chơi với gia đình hoặc một nhóm bạn bè thì thuê xe ô tô riêng gồm cả tài xế sẽ là giải pháp tối ưu. Khi đó, bạn chỉ cần yên tâm ngồi ngắm cảnh phố phường Hà Nội, và mọi việc khác cứ để bác tài lo nhé.
Một điều cần lưu ý nữa đó là Chùa Trấn Quốc mở cửa từ 8h00 đến 16h00 từ Thứ Hai đến Chủ Nhật. Nhưng vào ngày mùng 1 và ngày rằm hàng tháng thì chùa sẽ mở cửa từ 6h00 đến 20h00. Còn riêng tối giao thừa thì chùa sẽ mở cửa cả đêm để đón chào các Phật tử đến cúng bái, cầu nguyện những điều may mắn, mong phước lành và chia sẻ niềm vui trong giây phút chuyển giao giữa năm cũ và năm mới.
Lịch sử Chùa Trấn Quốc
Theo các tài liệu cổ và sử sách ghi lại, Chùa Trấn Quốc cho rằng được xây dựng vào thế kỷ thứ 6 dưới thời Tiền Lý, và ban đầu được đặt tên là Chùa Khai Quốc. Mới đầu, chùa tọa lạc trên bãi đất của làng Yên Hòa, tức làng Yên Phụ sau này. Năm 1440, vua Lê Thái Tông đã đổi tên chùa thành An Quốc với mong ước đất nước có thể an bình lâu bền.
Năm 1615, dưới triều của vua Lê Kính Tông, ngôi chùa được di dời vào khu vực đê Yên Phụ và được dựng trên nền cũ của cung Thúy Hoa từ thời nhà Lý và điện Hàn Nguyên thời nhà Trần. Đến năm 1639, chúa Trịnh đã cho sang sửa lại cổng tam quan và xây lại hành lang hai bên tả hữu. Đến triều vua Lê Hy Tông, chùa được đổi tên là Chùa Trấn Quốc.
Đầu đời nhà Nguyễn, chùa được tôn tạo vô cùng hoành tráng, đắp thêm tượng thờ và đúc chuông. Năm 1821, vua Minh Mạng đã ngự giá đến thăm ngôi chùa và ban 20 lạng bạc để trùng tu, mở rộng nơi này. Năm 1842, vua Thiệu Trị đã ban 1 đồng vàng lớn cùng 200 quan tiền, đồng thời đổi tên chùa thành Chùa Trấn Bắc. Tuy nhiên, dân chúng nơi đây đã quen gọi nơi này là Chùa Trấn Quốc, vậy nên cái tên đó đã được giữ mãi đến ngày nay.
Chùa Trấn Quốc thờ ai?
Chùa Trấn Quốc là ngôi chùa theo hệ phái Bắc Tông, bên trong điện có thờ Phật A Di Đà, Phật Quan Âm, Phật Thích Ca Mâu Ni. Ngoài ra, trong chùa còn có cả ban thờ Quan Vũ, Quan Bình, Chu Thương, Đức Ông cùng các thị giả.
Kiến trúc của Chùa Trấn Quốc
Kiến trúc của Chùa Trấn Quốc thể hiện rõ nét họa tiết truyền thống của phương Đông, gắn liền với cảnh quan thiên nhiên ở xung quanh và được sắp xếp theo đúng trình tự và nguyên tắc của Phật giáo. Cũng giống như hầu hết các ngôi chùa khác tại Việt Nam, Chùa Trấn Quốc có cấu tạo gồm ba nếp nhà chính: Tiền đường, Thiêu hương và Thượng điện. Ba nếp nhà chính nối với nhau và tạo thành hình chữ Công.
Tiền đường được đặt nằm giữa khuôn viên chùa và được xây theo hướng Tây. Hai bên là dãy hành lang và nối dài chính là Thượng điện cùng Thiêu hương. Sau đó sẽ là gác chuông – một ngôi nhà ba gian có mái chồng diêm và được xây dựng trên trục sảnh đường chính. Bên phải sẽ là nhà tổ và bên trái sẽ là nhà bia.
Theo sách sử, vào thế kỷ 18, dưới thời của vua Lê Ý Tông, Chùa Trấn Quốc đã được xây thêm nhiều tháp ở phía sau. Năm 1998, Hòa thượng Kim Cương Tử – Viện chủ Tổ đình Chùa Trấn Quốc đã cho xây dựng Bảo Tháp Lục Độ Đài Sen vô cùng nổi bật giữa vườn tháp cổ. Bảo Tháp được xây dựng và đặt đối xứng với cây bồ đề – quà tặng của Tổng thống Ấn Độ Rajendra Prasad đã trao tặng cho nơi này trong chuyến thăm thủ đô Hà Nội vào năm 1959.
Với những giá trị vô cùng đồ sộ về lịch sử và kiến trúc cũng như về yếu tố tâm linh, chùa Trấn Quốc đã được công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp quốc gia vào năm 1989.
Đến Chùa Trấn Quốc có gì thú vị?
Mỗi một hạng mục công trình tại Chùa Trấn Quốc đều mang những nét đặc sắc riêng, sau đây là những nơi nhất định phải “check-in” khi đến đây nhé!
Bảo Tháp Lục Độ Đài Sen
Ngay khi bước qua tam quan, bạn có thể bắt gặp ngọn tháp nâu đỏ sừng sững ngay trước mặt. Và đó chính là công trình Bảo Tháp Lục Độ Đài Sen. Đây là ngọn tháp tuyệt đẹp bao gồm 11 tầng, mỗi tầng có 6 ô cửa vòm và mỗi ô cửa sẽ có một tượng Phật A Di Đà làm bằng đá quý màu trắng. Đỉnh tháp là 9 tầng đài sen được làm bằng đá quý và thường được gọi là “cửu phẩm liên hoa”.
Tiền Đường
Sau khi đi qua vườn tháp cổ, bạn sẽ đến với Tiền đường. Đây là nơi đặt rất nhiều pho tượng độc đáo và đặc biệt là tượng Phật Thích Ca Nhập Niết Bàn. Pho tượng Phật này được làm hoàn toàn bằng gỗ, sơn son thếp vàng vô cùng lộng lẫy, là tượng Phật nằm đẹp nhất tại Việt Nam hiện nay. Ngoài ra còn có rất nhiều pho tượng Phật khác được đúc bằng đồng vô cùng đẹp mắt và trang nghiêm.
Thượng Điện
Thượng điện là nơi lưu trữ 14 tấm bia, trên các tấm bia đều khắc ghi bài thơ của các vị trạng nguyên và tiến sĩ nổi tiếng ngày xưa. Ngoài ra, trên văn bia cũng cung cấp rất nhiều thông tin và mô tả chi tiết những lần tu tạo chùa qua từng đời vua. Nhờ vậy mà người đời về sau có thể biết rõ hơn về lịch sử của Chùa Trấn Quốc.
Cây bồ đề
Cây bồ đề ở Chùa Trấn Quốc cũng là một bảo vật thu hút được rất nhiều sự quan tâm của các du khách lẫn các chư tăng, Phật tử từ khắp mọi nơi. Bởi đây chính là cây bồ đề được chiết từ cây Bồ Đề Đạo Tràng – nơi mà Đức Phật Thích Ca đã ngồi hành đạo cách đây hơn 25 thế kỷ. Cây bồ đề này tượng trưng cho trí tuệ và lòng từ bi của Đức Phật Thích Ca. Trải qua nhiều năm, dưới sự quan tâm và chăm sóc của các sư trụ trì, cây bồ đề hiện nay vẫn phát triển vô cùng tươi tốt.
Chùa Trấn Quốc trải qua 1.500 năm tồn tại, với hình ảnh ngôi Bảo Tháp cao vút nổi bật kể cả khi nhìn từ đằng xa, đã trở thành một dấu son của văn hóa và lịch sử đất Thăng Long – Hà Nội. Chùa như một biểu tượng đẹp đẽ và trở chốn thiền môn vô cùng quen thuộc của người dân thủ đô. Nơi đây xứng đáng là một nơi để bạn dừng chân chiêm ngưỡng mỗi khi có dịp đến thăm Hà Nội – thủ đô hoa lệ của Việt Nam.